Trung Quốc Kiểm duyệt và phân loại phim

Chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy những nội dung phim ảnh lành mạnh cho người dân và cấm những nội dung được cho là sẽ gây tác động xấu, làm băng hoại văn hóa truyền thống và đạo đức của đất nước. Đây là công việc mà Ủy ban về Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (Tổng cục Phát thanh, Truyền hình Trung Quốc) đảm nhận.

Đối với phim chiếu rạp, nội dung bộ phim phải được 37 thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua. Họ gồm các quan chức, viện sĩ, biên tập tạp chí điện ảnh và đạo diễn, cùng ngồi lại xem xét các chi tiết hình ảnh, lời thoại liên quan đến tình dục, bạo lực và yếu tố chính trị của bộ phim. Phim điện ảnh muốn phát hành ở thị trường điện ảnh Trung Quốc đều phải trải qua khâu kiểm duyệt rất khắt khe, từ quy định hạn chế số lượng phim nước ngoài tối đa được thông qua trong một năm (không quá 34 phim chiếu rạp/năm), cho tới kiểm soát chặt chẽ nội dung và quy định thời điểm ra rạp[23].

Các bộ phim chiếu rạp không bao giờ được phép xuất hiện những cảnh quay mô tả hoạt động tình dục, khỏa thânđồng tính luyến ái. Không chỉ phim điện ảnh, tất cả những bộ phim truyền hình và cả phim chiếu mạng nói về các mối quan hệ và hành vi tình dục bất thường như loạn luân, đồng tính luyến ái, ấu dâm cũng bị cấm hoặc phải cắt bỏ mọi cảnh quay liên quan.

Không chỉ kiểm soát chặt phim chiếu rạp, Trung Quốc cũng kiểm soát chặt các nội dung phim trên internet. Hiệp hội dịch vụ Netcast Trung Quốc có quy định kiểm duyệt nội dung trực tuyến được áp dụng từ phim truyện, phim tài liệu đến phim hoạt hình và các video giáo dục. Quy định này cấm các nội dung hiển thị hành vi tình dục, giới tính bất thường, bao gồm loạn luân, đồng tính luyến ái, lạm dụng tình dục, ấu dâm... Các quy định khác cũng nêu rõ nội dung sẽ bị xóa bỏ nếu khuyến khích "lối sống xa hoa thác loạn", đăng "chi tiết cảnh bạo lực và tội ác" hoặc "hành vi khiêu dâm" bao gồm cả thủ dâm. Tất cả những bộ phim vi phạm quy định đều sẽ bị gỡ bỏ khỏi Internet. Quy định này đã được ban hành năm 2017, sau khi chính phủ Trung Quốc nhận định sự xuất hiện dày đặc của các nhân vật đồng tính trên phim ảnh Internet đã làm băng hoại văn hóa giới trẻ bởi nội dung dung tục, suy đồi đạo đức và thiếu lành mạnh[4].

Trung Quốc không quy định về phân loại độ tuổi mà chỉ có 2 mức: "Phim được phổ biến" hoặc "phim bị cấm phổ biến". Phim được phổ biến sẽ được trình chiếu cho mọi lứa tuổi, bởi trong đó không bao giờ còn những nội dung gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em.

Không chỉ kiểm duyệt chặt chẽ nội dung phim, Trung Quốc cũng kiểm duyệt đối với cả tư cách đạo đức của diễn viên tham gia phim để ngăn chặn việc nhiều nghệ sỹ tạo scandal, gây bê bối đạo đức khiến đạo đức xã hội bị ảnh hưởng xấu. Tiêu biểu là vụ việc diễn viên Lý Tiểu Lộ vướng scandal ngoại tình nên bị Cục Phát thanh - truyền hình Trung Quốc cấm sóng hoàn toàn, các show truyền hình từng có ý định mời Lý Tiểu Lộ tham gia đều phải hủy bỏ ý định này, ngay cả tại lễ trao giải Kim Ưng diễn ra năm 2020, hình ảnh của Lý Tiểu Lộ cũng bị xoá sạch sẽ trong đoạn clip giới thiệu "nữ thần Kim Ưng qua các năm". Năm 2021, nữ diễn viên Trịnh Sảng xảy ra bê bối thuê người mang thai hộ rồi bỏ rơi con. Chỉ ít ngày sau, Tổng cục Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc đã đăng bài phê bình, ra lệnh “phong sát” (cấm tham gia mọi bộ phim, chương trình trên truyền hình và trên mạng) với Trịnh Sảng. Lệnh "phong sát" nhấn mạnh: "Hành động của Trịnh Sảng không thể được dung thứ cả về mặt luật pháp và đạo đức. Là người của công chúng với sức ảnh hưởng lớn đến văn hóa thì diễn viên phải là một tấm gương tốt, tuân thủ quy tắc nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật, tu thân dưỡng tính. Chúng tôi sẽ không cung cấp cơ hội cho những kẻ vướng bê bối được lên tiếng, lộ diện"[24]. Lệnh "phong sát" đồng nghĩa với việc Trịnh Sảng không chỉ bị cấm xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà kể các bộ phim, game show truyền hình mà cô từng tham gia sẽ bị cấm trình chiếu[25]